Tỷ phú khởi nghiệp từ kẹo que
Tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Tp.HCM chuyên ngành cơ khí, nhưng Lâm Huỳnh Thiện Lương lại khởi nghiệp và làm giàu bằng kẹo que. Cơ sở “kẹo yêu thương” của anh chuyên làm các sản phẩm “kẹo theo yêu cầu” như: kẹo hình chibi, cặp đôi, logo công ty, đội bóng, hình con vật yêu thích…
Từ cậu bé bán kẹo dạo…
Ở tuổi 23 đã trở thành ông chủ với doanh thu “bạc tỷ”, khó ai có thể tưởng tượng được tuổi thơ cùng cực của Lâm Huỳnh Thiện Lương. Anh kể: “Tôi sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, ít tiếng cười, nhiều tiếng khóc. Từ nhỏ đã phải đi bán kẹo kéo, kẹo que. Đến khi đỗ đại học tưởng sẽ tốt đẹp hơn, nhưng khó khăn lại nhân lên bội phần”.
Vào đại học, Lương làm thêm đủ việc để mưu sinh và có tiền đi học. “Tôi làm đủ mọi nghề, từ phục vụ bàn, dạy thêm, nhân viên tư vấn nhà đất… để kiếm từng bữa cơm 2.000 đồng”, Thiện Lương nhớ lại.
Khó khăn không quật ngã được ý chí của chàng trai trẻ. Sau thời gian vật lộn với đủ thứ nghề, Lương quay lại “nghề cũ” – bán kẹo. Nhưng khác với khi còn nhỏ, lần này anh tìm kiếm bạn bè, lập đội ngũ và cộng tác viên bán hàng rồi lấy kẹo về mang đi bán.
Nhờ có đầu óc kinh doanh, khả năng tính toán tốt, đội ngũ bán hàng của anh hoạt động khá tốt. Những thành công ban đầu khiến anh trăn trở với những ý tưởng và khát khao mới. Anh bắt đầu tự mày mò, lân la, học hỏi kỹ thuật làm kẹo tại các cơ sở kẹo. Gom hết tiền tiết kiệm và vay mượn thêm bạn bè để đầu tư mua nguyên liệu, dụng cụ làm kẹo.
Nhớ lại, Thiện Lương kể: “Toàn bộ số vốn tiết kiệm của tôi đổ vào mẻ nguyên liệu đầu tiên mất trắng, vì quá trình pha trộn thất bại, kẹo đổ đi. Để tiếp tục có tiền mua nguyên liệu, tôi phải bán đồ đạc, nợ chồng thêm nợ, vậy mà quá trình pha chế vẫn gặp khó, mỗi ngày đổ đi hơn 5kg nguyên liệu. Kẹo làm ra không đạt yêu cầu của khách hàng và phải đền bù”.
Sau hơn 3 tháng, với sự quyết tâm, không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, công việc của Lương dần đi vào ổn định. Kẹo có chất lượng tốt hơn và bắt đầu được khách hàng quan tâm. Nhận thấy cơ hội, Lương quyết định đi học vẽ và bắt đầu đa dạng mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Tỷ phú 23 tuổi Lâm Huỳnh Thiện Lương.
… đến ông chủ “kẹo yêu thương”
Để tạo ra sự khác biệt với các sản phẩm kẹo “vô tri vô giác” trên thị trường, Thiện Lương quyết tâm “thổi hồn” những chiếc “kẹo yêu thương” của mình. “Kẹo của tôi hoàn toàn làm thủ công, không máy móc, vì vậy các sản phẩm làm ra luôn là duy nhất. Mỗi chiếc kẹo đều có “tâm hồn” riêng, mang những thông điệp riêng. Cùng một chiếc kẹo hình Doraemon nhưng gương mặt thể hiện đủ vẻ hỉ, nộ, ái, ố…”, Lương chia sẻ.
Nhờ những khác biệt của sản phẩm, cơ sở kẹo của Thiện Lương ngày càng phát triển. Cơ sở sản xuất chính đặt tại phường 14 (quận Gò Vấp, Tp.HCM) chỉ có diện tích hơn 100m2, nhưng có các cửa hàng phân phối sản phẩm trên khắp cả nước và nước ngoài, như Mỹ, Canada, Thụy Điển, Lào, Hong Kong…
Hiện tại, bình quân mỗi ngày cơ sở kẹo của Thiện Lương tung ra thị trường 20.000 – 30.000 cây kẹo, đủ kích thước, kiểu loại với giá từ 5.000 – 15.000 đồng/chiếc (tùy loại). Doanh thu bình quân luôn đạt từ 400 triệu/tháng (gần 5 tỷ đồng/năm), cung cấp việc làm cho 12 lao động với mức lương cứng từ 3 – 4,5 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về bí quyết thành công, Thiện Lương cho rằng lý tưởng làm giàu là yếu tố quan trọng. Anh chia sẻ: “Nhiều người nghĩ muốn giàu phải kinh doanh cái gì to lớn. Đây là quan niệm không hoàn toàn đúng. Để bán những món giá trị lớn cần nhiều thời gian, vốn lớn, rủi ro cao… Còn bán các sản phẩm giá trị nhỏ (bánh mỳ, kem, kẹo que…) thì có thể tự chủ vốn, khách hàng, rủi ro thấp. Tuy ít tiền nhưng ngày nào cũng có thể bán với số lượng lớn nếu có chiến lược tốt.
“Cái nào cũng có giá trị” của nó. Thành công là do con người. Thời đại này làm gì cũng có thể giàu cả, quan trọng là chiến lược kinh doanh, đầu tư có tâm huyết và chi tiết tới cùng. Đừng đếm những gì bạn đã mất, hãy quý trọng những gì bạn đang có và lên kế hoạch cho những gì sẽ đạt được. Bởi quá khứ không bao giờ trở lại, nhưng tương lai có thể bù đắp cho mất mát Lương nói .
Văn Nguyễn/TBKD